Docat – Phải làm gì – Dẫn nhập và giới thiệu

DOCAT là quyển sách được biên soạn dựa theo các tài liệu được nhiều người ưa thích về học thuyết xã hội của Giáo Hội Công Giáo, vì sách được trình bày dựa theo các văn kiện quan trọng từ triều đại Đức Giáo Hoàng Lêo XIII.

142
0

Lời Dẫn Nhập

DOCAT là quyển sách được biên soạn dựa theo các tài liệu được nhiều người ưa thích về học thuyết xã hội của Giáo Hội Công Giáo, vì sách được trình bày dựa theo các văn kiện quan trọng từ triều đại Đức Giáo Hoàng Lêo XIII. Người trẻ nên đặc biệt quan tâm đến việc đọc các văn kiện quan trọng của Giáo Hội bằng văn bản gốc và cũng nên đặc biệt quan tâm đến việc định hướng các hành động của mình theo các bộ quy tắc chủ đạo về sự thật, công bằng và bác ái được chứa đựng trong các văn kiện đó. Không biết bao lần Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã khuyến khích các Kitô hữu nên tích cực dấn thân vào hoạt động để đẩy mạnh hơn nữa công lý trên thế giới: “Trong thời đại này một Kitô hữu không dám lội ngược dòng thì không phải là Kitô hữu.”

Ký hiệu và ý nghĩa

Biểu tượng cuốn sách có nghĩa là đoạn văn này được trích từ Kinh Thánh để giúp bạn hiểu sâu hơn đoạn văn mình đang đọc.
Dấu ngoặc kép có nghĩa đây là đoạn trích dẫn, đôi khi để nhấn mạnh ý nghĩa của bản văn; có lúc nó tạo ra sự cảm nhận sâu xa hơn về bản văn. Mục đích là luôn luôn mang lại đối chiếu sống động với sự thật.
Đoạn trích dẫn được ký hiệu bằng biểu tượng vương cung thánh đường Thánh Phêrô có ý nghĩa đây là giáo huấn thuộc huấn quyền của Đức Giáo Hoàng đương kim, cũng như những giáo huấn quan trọng của các đấng tiền nhiệm trực tiếp của ngài.
Đây là thuật ngữ được định nghĩa hoặc giải thích.
Xã Hội (➤),
Giáo Lý (▷),
YOUCAT (⫸)
Các mũi tên trước các số ở cuối mỗi câu trả lời chỉ các đoạn văn liên quan về chủ đề trong bản tóm lược Học thuyết Xã Hội (➤), Giáo Lý (▷) hoặc YOUCAT (⫸).

LỜI GIỚI THIỆU

1. Kế Hoạch Tổng Thể của Thiên Chúa: Tình Yêu

CÂU HỎI 1 TỚI 21

Với sự cộng tác của Peter Schallenberg, Marco Bonacker and Nils Baer

Tại sao chúng ta không hiểu Thiên Chúa nếu chúng ta không biết Ngài là Tình Yêu? Tại sao chúng ta cần một “nền văn minh tình yêu”, và làm sao chúng ta có thể thay đổi thế giới bằng tình yêu?

Trích từ các văn kiện quan trọng của Giáo Hội

2. Cùng Nhau Chúng Ta Trở Nên Mạnh Mẽ: Sứ Mạng Xã Hội của Giáo Hội

CÂU HỎI 22 TỚI 46

Với sự cộng tác của Thomas Berenz và Christian Stoll

Tại sao không ai thực sự có thể là một Kitô hữu nếu thiếu tình liên đới xã hội?

Tại sao Giáo Hội không phải là cứu cánh của chính mình? Tại sao Giáo Hội cổ vũ công lý cho tất cả mọi người?

Phụ Chương: Phương tiện truyền thông mới Trích từ các văn kiện quan trọng của Giáo Hội

3. Có Giá Trị Độc Đáo và Vô Giá: Con Người

CÂU HỎI 47 TỚI 83

Với sự cộng tác của Walter Schweidler, Anton Losinger and Marco Bonacker

Tại sao con người không có giá trị tiền bạc nhưng lại có phẩm giá bẩm sinh? Tại sao nhân quyền vừa phù hợp với nền tảng đức tin lẫn lẽ phải, và tại sao chỉ duy nhất Thiên Chúa mới có thể bảo vệ con người khỏi rơi vào bàn tay cưỡng chế lẫn nhau?

Phụ Chương: Con người trong đạo đức sinh học Trích từ các văn kiện quan trọng của Giáo Hội

4. Công Ích, Nhân Vị, Bổ Trợ, Liên Đới: Những Nguyên Tắc thuộc Giáo Huấn Xã Hội của Giáo Hội

CÂU HỎI 84 TỚI 111

Với sự cộng tác của Christoph Krauss và Joachim Hüpkes

Tại sao chúng ta nói về bốn nguyên tắc chính của học thuyết xã hội; làm thế nào chứng minh các nguyên tắc đó là đúng theo luân lý đạo đức và làm sao áp dụng các nguyên tắc đó vào thực tế? Và tại sao các nguyên tắc ấy lại đặc biệt thích hợp để phân tích và cải thiện các điều kiện xã hội?

Trích từ các văn kiện quan trọng của Giáo Hội

5. Nền Tảng của Xã Hội: Gia Đình

CÂU HỎI 112 TỚI 133

Với sự cộng tác của Ursula Nothelle-Wildfeuer và Elisabeth Zschiedrich

Tại sao gia đình là tế bào mầm của xã hội, gia đình hoàn thành được những gì cho xã hội, tại sao lối sống gia đình dễ bị vướng phải các nguy hiểm (và không chỉ ngày nay), và do đó tại sao lối sống này phải được bảo vệ một cách đặc biệt?

Trích từ các văn kiện quan trọng của Giáo Hội

6. Nghề Nghiệp và Ơn Gọi: Lao Động của Con Người

CÂU HỎI 134 TỚI 157

Với sự cộng tác của Arnd Kuppers

Tại sao lao động không phải là một sự chúc dữ mà là một phương thế để con người tự thể hiện chính bản thân mình? Tại sao lao động khiến cho chúng ta trở thành người cộng sự của Thiên Chúa? Tại sao lao động là vì con người chứ không phải con người vì lao động?

Trích từ các văn kiện quan trọng của Giáo Hội

7. Phúc Lợi và Công Bằng cho Tất Cả Mọi Người: Đời Sống Kinh Tế

CÂU HỎI 158 TỚI 194

Với sự cộng tác của Hermann von Laer và Martin Schlag

Tại sao đời sống kinh tế có các qui luật riêng của nó? Tại sao hoạt động kinh tế chỉ công bằng khi tất cả những ai có liên quan đều được hưởng lợi ích xứng đáng từ đó? Tại sao thị trường cũng có các giới hạn và sao chúng ta có thể thích ứng được tình trạng toàn cầu hóa?

Trích từ các văn kiện quan trọng của Giáo Hội

8. Quyền Lực và Luân Lý: Cộng Đồng Chính Trị

CÂU HỎI 195 TỚI 228

Với sự cộng tác của Markus Krienke và Christoph Bohr

Tại sao chính trị cần có các khuôn khổ nền tảng, hợp pháp, và chuẩn mực đạo đức để trở nên nhân đạo và hữu ích? Tại sao các Kitô hữu không thể đứng ngoài chính trị? Tại sao các Kitô hữu ủng hộ tự do và công lý cho tất cả mọi người? Và tại sao trở thành công dân tốt lại là mối quan tâm ý nghĩa nhất của các Kitô hữu?

Trích từ các văn kiện quan trọng của Giáo Hội

9. Một Thế Giới, Một Nhân Loại: Cộng Đồng Quốc Tế

CÂU HỎI 229 TỚI 255

Với sự cộng tác của Gerhard Kruip, Julia Horstmann và Luisa Fischer

Tại sao các Kitô hữu phải đáp ứngcác phương thức mới với một thế giới đang thay đổi triệt để? Tại sao Giáo Hội có sự lựa chọn dành riêng cho người nghèo và làm sao có thể tổ chức liên đới và hợp tác toàn cầu?

Phụ Chương: Như thế nào là nghèo?

Phụ Chương: Của cải thuộc cộng đồng thế giới Trích từ các văn kiện quan trọng của Giáo Hội

10. Bảo Vệ Công Trình Sáng Tạo Thế Giới: Môi Trường

CÂU HỎI 256 TỚI 269

Với sự cộng tác của Markus Vogt

Tại sao Kitô hữu có mối quan hệ đặc biệt với thiên nhiên và môi trường?

Tại sao bây giờ chúng ta phải làm điều gì đó để bảo vệ môi trường và phải tìm cách sử dụng bền vững các tài nguyên thiên nhiên?

Trích từ các văn kiện quan trọng của Giáo Hội

11. Sống Trong Tự Do, Tránh Bạo Lực: Hòa Bình

CÂU HỎI 270 TỚI 304

Với sự cộng tác của Stefan Ahrens, Nils Baer và Cornelius Sturm

Tại sao chúng ta cần Thiên Chúa để đạt đến một nền hòa bình cơ bản, lâu dài? Tại sao Giáo Hội phải là sứ giả hòa bình và Giáo Hội có thể đóng góp gì vào việc giảm thiểu xung đột? Tại sao chủ nghĩa hòa bình cực đoan vẫn không giải quyết được xung đột và khi nào có thể tiến hành chiến tranh như là phương sách cuối cùng?

Phụ Chương: Tự do nghiên cứu và khả năng lạm dụng của nó Trích từ các văn kiện quan trọng của Giáo Hội

12. Dấn Thân Cá Nhân và Dấn Thân Xã Hội: Yêu Thương Bằng Hành Động

CÂU HỎI 305 TỚI 328

Với sự cộng tác của Elmar Nass, Bertram Meier và Anno Zilkens

Tại sao các Kitô hữu phải dấn thân và tham gia vào những nơi cần thiết: trong Giáo Hội, trong xã hội, trong các nhu cầu xã hội và các xung đột xã hội, trong các đảng phái và các hiệp hội? Tại sao các Kitô hữu phải có được điều gì đó để hiến tặng cho những người đương thời với mình mà chẳng ai khác sẽ cho họ?

Trích từ các văn kiện quan trọng của Giáo Hội

“A Christian who in these times is not a revolutionary is not a Christian”.

“Un Chrétien, s’il n’est pas un révolutionnaire en ce temps, n’est pas Chrétien”.

“Một Kitô hữu sống trong thời đại này mà không dám lội ngược dòng thì không phải là Kitô hữu”.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô

Chỉ cá sống mới bơi được ngược dòng.

Khuyết danh (DoCat số 315)

LỜI GIỚI THIỆU

Các bạn trẻ thân mến!

Vị tiền nhiệm của cha, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, đã đặt vào tay các con quyển Giáo Lý Giới Trẻ, quyển YOUCAT.

Hôm nay cha muốn trao phó cho các con một quyển sách khác, quyển DOCAT, chứa đựng các giáo huấn xã hội của Giáo Hội.

Động từ tiếng Anh “to do” là một phần của tên quyển sách. DOCAT trả lời câu hỏi: “Chúng ta nên làm gì?”; DOCAT như một quyển cẩm nang giúp chúng ta thay đổi trước hết chính bản thân mình bằng Tin Mừng, sau đó đến môi trường xung quanh gần gũi nhất của chúng ta, và cuối cùng là toàn bộ thế giới. Với sức mạnh của Tin Mừng, chúng ta thực sự có thể thay đổi thế giới.

Chúa Giêsu nói: “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.” Nhiều vị thánh rung động đến tận đáy lòng vì câu Kinh Thánh này. Nhờ câu nói này của Chúa Giêsu mà Thánh Phanxicô Assisi đã thay đổi toàn bộ cuộc sống của mình. Mẹ Têrêsa cũng đã biến đổi vì câu Tin Mừng đó. Và cha Charles de Foucauld nhìn nhận: “Trong toàn bộ Tin Mừng, không có câu nào đã có ảnh hưởng lớn đến tôi và thay đổi cuộc sống của tôi sâu sắc hơn câu này: ‘Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy’. Khi suy niệm lời này phát xuất từ miệng Chúa Giêsu, Ngôi Lời vĩnh cửu của Thiên Chúa, và đây cũng là miệng đã nói rằng: ‘Này là Mình tôi… này là Máu tôi…’, thì cha thấy mình được kêu gọi để tìm kiếm và yêu mến Chúa Giêsu trên hết mọi sự trong những người bé mọn này, trong những người bé nhỏ nhất”.

Các bạn trẻ thân mến! Chỉ có sự hoán cải của con tim mới có thể làm cho thế giới của chúng ta, một thế giới đầy khủng bố và bạo lực, trở nên nhân bản hơn. Và điều đó có nghĩa là sự nhẫn nại, công bằng, khôn ngoan, đối thoại, sự liêm chính, tình liên đới với các nạn nhân, những người túng thiếu và những người nghèo nhất, sự cống hiến vô hạn, yêu cho đến chết vì tha nhân. Khi các con đã hiểu điều này một cách sâu sắc, thì các con có thể thay đổi thế giới với tư cách các Kitô hữu dấn thân. Thế giới không thể tiếp tục đi con đường hiện đang đi. Nếu một Kitô hữu ngày nay quay lưng trước các nhu cầu của những người nghèo nhất trong những người nghèo, thì kỳ thực người đó không phải là một Kitô hữu!

Ta không thể làm gì hơn cho cuộc cách mạng này về tình yêu và công bằng trở thành hiện thực trong nhiều nơi trên hành tinh khổ ải này sao? Học thuyết xã hội của Giáo Hội có thể giúp thật biết bao người! Dưới sự hướng dẫn giàu kinh nghiệm của các Hồng y Christoph Schönborn và Reinhard Marx, một nhóm người đã bắt tay vào việc để làm cho sứ điệp giải phóng của học thuyết xã hội Công giáo thu hút sự chú ý của giới trẻ trên thế giới. Họ đã cộng tác với các học giả nổi tiếng và cũng như với những người trẻ về dự án này. Những bạn trẻ nam nữ Công giáo từ khắp nơi trên thế giới gửi tới các hình ảnh tốt nhất của họ. Những bạn trẻ khác thảo luận bản văn, đóng góp các câu hỏi và đề xuất, và bảo đảm bản văn có thể hiểu dễ dàng. Học thuyết xã hội gọi đó là “sự tham gia”! Bản thân nhóm đã áp dụng một nguyên tắc quan trọng của học thuyết xã hội ngay từ đầu. Như vậy DOCAT đã trở thành một sự giới thiệu rất ấn tượng về hành động theo Kitô giáo.

Những gì chúng ta gọi là giáo huấn xã hội Công Giáo ngày nay đã hình thành vào thế kỷ mười chín. Với tiến trình công nghiệp hóa, một hình thức tàn bạo của chủ nghĩa tư bản phát sinh: một thứ kinh tế đã tàn phá con người. Các nhà công nghiệp hóa bất nhân đã làm cho người dân vùng nông thôn trở nên nghèo khó đến độ phải làm việc vất vả trong các hầm mỏ hoặc trong các nhà máy dỉ sét với đồng lương chết đói. Trẻ em không còn nhìn thấy ánh mặt trời. Các em bị sai đi trong hầm tối như những tên nô lệ lầm lũi kéo các xe than. Bằng sự dấn thân thật cao quí, các Kitô hữu ra tay giúp đỡ những người túng thiếu, nhưng họ nhận thấy rằng như thế vẫn chưa đủ. Vì vậy, họ đã phát triển các ý tưởng chống lại sự bất công trong xã hội cũng như trong chính trị. Thật ra, tuyên ngôn cơ bản về học thuyết xã hội Công giáo đã và vẫn là thông điệp năm 1891 của Đức Giáo hoàng Lêô XIII, Rerum novarum, về “Tư bản và Lao động”. Đức Giáo Hoàng đã viết cách rõ ràng và không thể nhầm lẫn: “Lường gạt ai để chiếm đoạt tiền công của họ là một tội ác mà tiếng kêu báo oán đã thấu tới trời”. Với thẩm quyền của mình, Giáo Hội đã đấu tranh cho các quyền của công nhân.

Vì nhu cầu của thời đại đòi hỏi, giáo huấn xã hội Công giáo ngày càng trở nên phong phú và được tinh luyện trong những năm qua. Nhiều người bàn luận về cộng đồng, công lý, hòa bình, và công ích. Họ đã tìm thấy các nguyên tắc nhân vị, liên đới, và bổ trợ, mà cả DOCAT nữa, cũng quảng diễn. Nhưng thực ra học thuyết xã hội này không xuất phát từ riêng một vị giáo hoàng hoặc riêng từ học giả cá biệt nào. Học thuyết xã hội xuất phát từ trọng tâm của Tin Mừng. Học thuyết xã hội xuất phát từ chính Chúa Giêsu. Chúa Giêsu là giáo huấn xã hội của Thiên Chúa.
“Nền kinh tế này đang giết chết”, cha đã viết trong Tông huấn Niềm vui Tin Mừng, vì ngày hôm nay nền kinh tế loại trừ và thu nhập chênh lệch vẫn còn tồn tại. Có những nước có đến 40 hoặc 50 phần trăm người trẻ bị thất nghiệp. Trong nhiều xã hội, những người lớn tuổi bị gạt ra bên lề vì họ dường như không có “giá trị” và không còn “làm được việc”. Có những dải đất rộng lớn mà dân cư thì thưa thớt vì người nghèo của trái đất đã rời bỏ chạy đến các khu ổ chuột trong các thành phố lớn với hy vọng tìm thấy một cái gì đó còn sót lại ở đó để sống cho qua ngày. Các phương thức sản xuất của nền kinh tế toàn cầu hóa đã phá hủy các cấu trúc kinh tế và nông nghiệp bình dị tại những miền quê gốc gác bao đời của họ. Hiên nay, khoảng 1 phần trăm dân số thế giới sở hữu 40 phần trăm toàn bộ tài sản của thế giới, và 10 phần trăm dân số thế giới sở hữu 85 phần trăm tài sản. Mặt khác, khoảng độ 1 phần trăm tài sản thế giới này “thuộc về” nửa dân số thế giới. Khoảng 1,4 tỷ người sống dưới mức lương mỗi ngày là 1 euro [khoảng hơn 24 ngàn].

Khi cha mời gọi tất cả các con bây giờ thực sự làm quen với học thuyết xã hội của Giáo Hội, cha đang mơ không chỉ là về các nhóm ngồi dưới gốc cây mà thảo luận về học thuyết xã hội. Điều đó tốt! Hãy làm! Nhưng ước mơ của cha lớn hơn thế: Cha ước mong có được một triệu Kitô hữu trẻ, hoặc thậm chí còn nhiều hơn nữa, cả một thế hệ những người đương thời cùng ‘đồng hành, thảo luận học thuyết xã hội’. Sẽ không có gì khác thay đổi thế giới ngoài những con người cùng với Chúa Giêsu dấn thân cho thế giới, cùng với Người đến với những người sống bên lề xã hội và đến ngay giữa các mảnh đời lem luốc. Hãy đi vào cả chính trị nữa, và đấu tranh cho công lý và phẩm giá con người, nhất là cho những người nghèo nhất trong những người nghèo. Tất cả các con là Giáo Hội. Vậy thì, hãy bảo đảm rằng Giáo Hội này được biến đổi, bảo đảm Giáo Hội vẫn đang sống, bởi vì Giáo Hội cho phép mình bị thách thức bởi những tiếng kêu của những người bị tước đoạt, bằng tiếng nài xin của những người khốn cùng, và tiếng cầu cứu của những người chẳng có ai đoái hoài quan tâm.

Chính các con cũng hãy hành động. Khi nhiều người cùng làm với nhau, thì sẽ có những cải thiện trong thế giới này và mọi người sẽ cảm nhận được Thánh Thần của Thiên Chúa đang hoạt động qua các con. Và khi đó các con sẽ như những ngọn đuốc làm cho đường dẫn đến Thiên Chúa sáng tỏ hơn cho nhiều người.

Và vì vậy cha tặng các con quyển sách nhỏ tuyệt vời này, hy vọng rằng nó có thể nhóm lên ngọn lửa trong các con. Cha cầu nguyện mỗi ngày cho các con. Xin cũng cầu nguyện cho cha nữa!

Chân thành,

Phanxicô

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *