Docat – Chương 2 – Cùng Nhau Chúng Ta Trở Nên Mạnh Mẽ: SỨ MẠNG XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI

Tất cả các Kitô hữu, kể cả các mục tử, được mời gọi để chăm lo cho việc xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn… Tư tưởng về xã hội của Giáo Hội chủ yếu mang tính tích cực: đưa ra những đề nghị, hướng đến những hành động có sức biến đổi, và theo nghĩa này, nó không ngừng là một dấu chỉ của hy vọng nảy sinh từ trái tim đầy yêu thương của Chúa Giêsu Kitô.

128
0

Hãy làm mọi việc thiện càng nhiều càng tốt cho tất cả những ai bạn có thể, bằng mọi phương tiện bạn có được, theo mọi cách bạn biết, vào bất cứ lúc nào, nơi nào bạn có thể làm.

John Wesley (1703-1791), được gọi là “Nguyên Tắc của John Wesley”

22. Vì sao Giáo Hội có học thuyết xã hội?

Con người là các sinh vật → XÃ HỘI hết sức sâu sắc. Cả trên thiên đàng lẫn ở trần gian, con người đều cần dựa vào cộng đồng. Trở lại thời Cựu Ước, Thiên Chúa đã trao cho dân Ngài các luật lệ nhân đạo và các giới răn mà theo đó họ có thể lấy làm khuôn phép để sống ngay chính, tốt lành. Lý trí con người có thể phân biệt giữa những hành động bất chính và những hành vi công bằng cần thiết để xây dựng một trật tự xã hội công bình. Ở Chúa Giêsu, ta thấy được rằng chỉ có yêu thương mới có được công bình trọn vẹn. Những ý niệm ngày nay của chúng ta về tình liên đới được gợi hứng từ tình yêu Kitô hữu đối với tha nhân.

➤ 62 ff. ▷ 2419-2420, 2422-2423 ⫸ 45, 438


23. Học thuyết xã hội có các mục đích nào?

Học thuyết xã hội có hai mục đích:

  1. Trình bày các yêu cầu hoạt động xã hội chính đáng như trong Phúc Âm.
  2. Nhân danh công lý, lên án những hoạt động xã hội, kinh tế, hoặc chính trị và các thể chế bất cứ khi nào đi ngược lại với sứ điệp Tin Mừng.

Đức tin Kitô giáo có quan niệm rõ ràng về phẩm giá con người và từ quan niệm này đưa ra một số nguyên tắc, chuẩn mực, và các nhận định về giá trị, để có thể tạo ra một trật tự xã hội nhiều công bằng và tự do nhất. Tuy các nguyên tắc của học thuyết xã hội đã rõ ràng như thế mà không biết bao lần vẫn phải cụ thể hóa để áp dụng cho các vấn đề xã hội hiện nay. Khi áp dụng học thuyết xã hội của mình, Giáo Hội trở thành người bênh vực cho tất cả mọi người vì rất nhiều lý do khác nhau mà không thể nói lên tiếng nói của mình, và thường họ là những người chịu thiệt thòi nhiều nhất bởi các cơ chế và hành động bất công.

➤ 81,82 ▷ 2423

Xã hội (Latinh: socialis, Gồm những người có tương quan đặc trưng, hoặc đồng minh với nhau): Liên quan đến những người cùng chung sống (theo luật lệ qui định) trong một nước hoặc một xã hội; có liên quan đến xã hội con người hoặc thuộc về xã hội con người.

Tất cả các Kitô hữu, kể cả các mục tử, được mời gọi để chăm lo cho việc xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn… Tư tưởng về xã hội của Giáo Hội chủ yếu mang tính tích cực: đưa ra những đề nghị, hướng đến những hành động có sức biến đổi, và theo nghĩa này, nó không ngừng là một dấu chỉ của hy vọng nảy sinh từ trái tim đầy yêu thương của Chúa Giêsu Kitô.

ĐGH Phanxicô, Tông Huấn Evangelii Gaudium – Niềm Vui Tin Mừng (EG 183)


24. Ai quyết định các luận điểm trong học thuyết xã hội của Giáo Hội?

Tất cả mọi thành viên của Giáo Hội, theo nhiệm vụ và đặc sủng riêng của mình, tham gia vào việc phát triển học thuyết xã hội. Các nguyên tắc của học thuyết xã hội đã được đề cập trong các văn kiện quan trọng của Giáo Hội. Học thuyết xã hội là một “giáo huấn” chính thức của Giáo Hội. Huấn Quyền của Giáo Hội – nghĩa là Đức Thánh Cha và các Giám mục hiệp thông với ngài – nhiều lần hướng dẫn Giáo Hội và nhân loại về các đòi hỏi cần thiết cho công lý và hòa bình trong các cộng đồng xã hội.

▷ 70, 90 ⫸ 344

Chức vụ giáo huấn sống động của Giáo Hội [tức là Huấn quyền – Magisterium] … không ở trên Lời Chúa, mà phục vụ Lời Chúa vì chỉ giảng dạy những điều đã được truyền lại; bởi mệnh lệnh của Thiên Chúa và nhờ ơn trợ giúp của Chúa Thánh Thần, Huấn Quyền trân trọng lắng nghe, thành kính gìn giữ và giải thích Lời Chúa cách trung tín, đồng thời từ kho tàng đức tin duy nhất ấy, Huấn Quyền kín múc ra tất cả mọi điều mà trình bày cho tín hữu tin như là những điều đã được Thiên Chúa mạc khải.

Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Dei Verbum (Lời Chúa) 10.

Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng. Mt 11:5

Bác ái là tâm điểm của học  thuyết  xã  hội  của Giáo Hội.

ĐGH BÊNÊĐICTÔ XVI, Thông Điệp Bác Ái Trong Chân Lý,(CiV)

Khi người già vô gia cư bị chết vì dầm mưa dãi nắng chẳng ai hay, còn lúc thị trường chứng khoán bị mất hai điểm lại là tin thời sự được sao? Đấy là cảnh loại trừ. Sao ta có thể đứng nhìn dửng dưng mãi trong lúc bao người đang bị chết đói thì thức ăn lại bị đổ đi? Đây là cảnh bất công.

ĐGH Phanxicô, Tông Huấn EG – Niềm Vui Tin Mừng 53

THIÊN CHÚA phán với Cain: “Aben em ngươi đâu rồi?” Cain thưa: “Con không biết. Con là người giữ em con hay sao?”. St 4:9

Không còn có thể nói rằng tôn giáo chỉ giới hạn vào lĩnh vực riêng tư và tôn giáo tồn tại chỉ để chuẩn bị cho các linh hồn vào thiên đàng. ĐGH Phanxicô, Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng (EG 182)


25. Học thuyết xã hội của Giáo Hội đã hình thành như thế nào?

Không ai có thể sống theo Phúc Âm mà không gặp thách đố ở xã hội. Tuy vậy, thuật ngữ “học thuyết xã hội” đề cập đến những tuyên ngôn về các vấn đề xã hội mà Huấn Quyền của Giáo Hội đã ban hành kể từ Thông điệp Rerum Novarum (Tân Sự) của Đức Giáo Hoàng Lêô XIII. Với tiến trình công nghiệp hóa vào thế kỷ mười chín, đã phát sinh một “vấn đề xã hội” hoàn toàn mới. Phần đông người ta không còn được làm trong ngành nông nghiệp mà thay vào đó, họ phải vào làm trong ngành công nghiệp. Không có chế độ bảo hộ lao động, bảo hiểm y tế, hay bảo đảm thời gian nghỉ phép, và thậm chí chỗ nào cũng thấy có lao động trẻ em. Công đoàn được thành lập để bênh vực cho quyền lợi của công nhân. Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã nhận thấy rõ ngài phải đáp trả lại tình trạng ấy bằng biện pháp đặc biệt. Trong thông điệp RERUM NOVARUM của mình, ngài đã phác thảo những nét chính cho một trật tự xã hội công bằng. Kể từ đó, không biết bao lần các giáo hoàng đã đáp lại các “dấu chỉ của thời đại” và đã đề ra các biện pháp giải quyết các vấn nạn xã hội đặc biệt cấp bách theo truyền thống của thông điệp RERUM NOVARUM. Các bản tuyên bố như vậy tích lũy dần theo thời gian đã hình thành nên học thuyết xã hội của Giáo Hội. Ngoài các văn kiện của Giáo Hội Hoàn Vũ (nghĩa là các bản tuyên bố của Đức Giáo Hoàng, của công đồng, hoặc của Giáo Triều Rôma), còn có các bản tuyên bố khu vực, ví dụ như các thư mục vụ của một hội nghị giám mục về các vấn đề xã hội, có thể là một phần trong học thuyết xã hội của Giáo Hội.

➤ 87, 88, 104 ▷ 4395


26. Tại sao Giáo Hội không chỉ quan tâm đến cá nhân?

Giáo Hội từng bị chỉ trích là chỉ quan tâm đến phần rỗi linh hồn của cá nhân. Thật ra, cá nhân mỗi người đều đáng được Thiên Chúa quan phòng. Tất cả chúng ta đều độc đáo và không thể thay thế. Tuy nhiên, ngay từ trong lòng mẹ, chúng ta phải nhờ đến sự hiệp thông với những người khác. Chúng ta chỉ có được hạnh phúc khi ở trong các tương quan tốt đẹp với tha nhân. Do đó, trong trình thuật về công trình sáng tạo đã có nói, Thiên Chúa phán: “Con người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó. (St 2:18). Thiên Chúa quan tâm đến tình trạng lành mạnh và hạnh phúc toàn diện của một con người, vì vậy Ngài cũng quan tâm đến sự phát triển cộng đồng của người ấy, mà trong đó người ta tham gia vào bằng những cách thức thật đa dạng.

▷ 61 ⫸ 210, 321

Có người mẹ nào quên được đứa con thơ bà đã cho bú mớm, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ. Is 49:15


27. 27 Tại sao Giáo Hội thực hành tình liên đới?

Một Giáo Hội tỏ ra không có tình liên đới thì sẽ hóa thành mâu thuẫn với chính danh của mình. Giáo Hội là nơi Thiên Chúa liên đới trường cửu với nhân loại. Trong sự hiệp thông của Giáo Hội, tình yêu Thiên Chúa phải được tiếp diễn nơi con người và cuối cùng là vươn đến toàn thể nhân loại. Giáo Hội là nơi Thiên Chúa muốn qui tụ tất cả mọi người: “Nầy, Thiên Chúa ở cùng nhân loại.” (Kh 21: 3). Giáo Hội là “dấu chỉ và khí cụ của sự kết hiệp thật mật thiết với Thiên Chúa và là sự hiệp nhất của toàn thể nhân loại” (LG 1). Qua Giáo Hội của Người, theo gương Chúa Giêsu, Giáo Hội thể hiện tình liên đới với những người cô thế, những nạn nhân của bất công, và người nghèo trong mỗi thời đại của Giáo Hội, Thiên Chúa cất công đến với tất cả mọi dân tộc, và mọi nền văn hóa và giúp đỡ họ. Bất cứ khi nào con người cố gắng hình thành một thế giới nhân đạo hơn, thì Thiên Chúa đứng về phía họ. Do đó, Giáo Hội thể hiện tình liên đới với tất cả những ai muốn chung phần tạo cho con người nơi trần thế nhận ra khuôn mặt cứu độ của Thiên Chúa.

▷ 60 ⫸ 122

Nam cũng như nữ, chúng ta cùng chung trên một con tàu giữa biển phong ba bão tố. Chúng ta đều có nghĩa vụ phải thành tâm với nhau dù giữa chốn gian nan thử thách.

G.K Chesterton (1874-1936)

Tín nghĩa ân tình nay hội ngộ, hoà bình công lý đã giao duyên. Tín nghĩa mọc lên từ đất thấp, công lý nhìn xuống tự trời cao. Tv 85:11


Các Mốc Lịch Sử của Học Thuyết Xã Hội

NămTênChủ điểm và Tuyên ngôn
1891LÊÔ XIII: THÔNG ĐIỆP RERUM NOVARUM (RN) – TÂN SỰThông điệp xã hội đầu tiên: về quyền tư hữu tài sản, bác bỏ đấu tranh giai cấp, các quyền của người yếu thế và phẩm giá của người nghèo; quyền công nhân thành lập công đoàn lao động.
1931 PIÔ XI: THÔNG ĐIỆP QUADRAGESIMO ANNO (QA) – TỨ THẬP NIÊNThông điệp nhân kỷ niệm 40 năm thông điệp RERUM NOVARUM: đòi hỏi “tiền lương đủ sống” có thể nuôi sống gia đình; bác bỏ doanh nghiệp tự do vô hạn; khai triển nguyên tắc bổ trợ.
1961GIOAN XXIII: THÔNG ĐIỆP MATER ET MAGISTRA (MM) – HIỀN MẪU VÀ TÔN Mục đích của học thuyết xã hội là tạo nên một cộng đồng đích thực, trong đó các nhu cầu được đáp ứng và phẩm giá của mỗi cá nhân được đề cao.
1963Gioan   XXIII:    Thông   điệp PACEM IN TERRIS (PT) – HÒA BÌNH TRÊN THẾ GIỚIThúc đẩy sự tự do và phổ biến rộng rãi nhân quyền là các mối quan tâm chính của Giáo Hội.
1965HIẾN CHẾ MỤC VỤ VỀ GIÁO HỘI TRONG THẾ GIỚI NGÀY NAY – GAUDIUM ET SPES (GS) – NIỀM VUI VÀ HY VỌNG CỦA CÔNG ĐỒNG VATICAN IIBắt đầu đối thoại toàn diện về nền văn hóa, kinh tế, và xã hội hiện đại; xã hội và các cấu trúc xã hội phải được sắp đặt nhằm “thăng tiến con người” (GS 25)
1965TUYÊN NGÔN VỀ TỰ DO TÔN GIÁO – DIGNITATIS HUMANAE (DH) – NHÂN PHẨM CỦA CÔNG ĐỒNG VATICAN IIHội Thánh công nhận tự do tôn giáo là một quyền được dựa trên phẩm giá con người; mục đích là để thiết lập chỗ đứng vững chắc cho quyền tự do tôn giáo trong các hiến pháp của các nước trên toàn thế giới.
1967PHAOLÔ VI: THÔNG ĐIỆP POPULORUM PROGRESSIO (PP) – PHÁT TRIỂN CÁC DÂN TỘCNhững phản ánh về sự nỗ lực chung trên toàn thế giới cho sự phát triển của tất cả các dân tộc và nền hòa bình thế giới.
1968Phaolô    VI:     Thông    điệp HUMANAE  VITAE  (HV) – S SỐNG CON NGƯỜIVề sự lưu truyền sự sống con người và phẩm giá của hôn nhân.
1971PHAOLÔ VI: TÔNG HUẤN OCTOGESIMA ADVENIENS (OA) – BÁT THẬP NIÊNNhân kỷ niệm 80 năm Thông điệp RERUM NOVARUM, một loạt các vấn đề đặc biệt được đặt ra, ví dụ: tỷ lệ thất nghiệp, các vấn đề môi trường, và gia tăng dân số.
1981GIOAN PHAOLÔ II: THÔNG ĐIỆP LABOREM EXERCENS (LE) – LAO ĐỘNG CỦA CON NGƯỜILao động của con người không chỉ để kiếm sống mà còn có một phẩm giá đặc biệt. Lao động dự phần vào phẩm giá con người và ơn gọi Kitô Hữu
1987GIOAN PHAOLÔ II: THÔNG ĐIỆP SOLLICITUDO REI SOCIALIS (SRS) QUAN TÂM ĐẾN VẤN ĐỀ XÃ HỘI)20 năm sau thông điệp POPULORUM PROGRESSIO, sự phát triển của cái gọi là Thế Giới Thứ Ba một lần nữa được đề cập; sự phát triển phải được hiểu một cách toàn diện, không chỉ về kinh tế, mà còn bao gồm cả sự phát triển luân lý.
1991GIOAN PHAOLÔ II: THÔNG ĐIỆP CENTESIMUS ANNUS (CA) – BÁCH CHU NIÊNNhân kỷ niệm 100 năm Thông điệp RERUM NOVARUM và sau sự sụp đổ của Chủ nghĩa cộng sản, giá trị của dân chủ và kinh tế thị trường tự do được nhấn mạnh; tuy nhiên, thị trường ấy vẫn phải duy trì trong khuôn khổ của sự liên đới.
2009BÊNÊĐICTÔ XVI: THÔNG ĐIỆP CARITAS IN VERITATE (CIV) – BÁC ÁI TRONG CHÂN LÝTrích dẫn thông điệp POPULORUM PROGRESSIO, văn kiện này đề cập các khía cạnh khác nhau của tình trạng toàn cầu hóa trong thời gian dài.
2015PHANXICÔ: THÔNG ĐIỆP LAUDATO SÍ (LS) – CHÚC TỤNG THIÊN CHÚAThông điệp thứ hai của Đức Giáo Hoàng Phanxicô thảo luận các vấn đề bảo vệ môi trường trong bối cảnh rộng lớn hơn về quyền của hết mọi người đối với sự sống và sự phát triển toàn diện mang lại phẩm giá.

Hãy yêu thương người nghèo. Đừng bao giờ quay lưng lại với họ. Vì ngoảnh mặt đi với người nghèo là bạn cũng từ chối không nhận Chúa Kitô. Người đã hóa thân thành kẻ nghèo đói, khốn cùng, vô gia cư, nhờ vậy, bạn và tôi có được cơ hội yêu mến Người.

THÁNH TÊRÊSA CALCUTTA (1910-1997)

Ai nghĩ vì mình đi nhà thờ thì là Kitô hữu là sai. Xét cho cùng, dù có đứng mãi trong gara bạn cũng chẳng thể nào thành được chiếc ôtô.

ALBERT SCHWEITZER (1875-1965)

Việc chấp nhận lời công bố ban đầu, mời gọi chúng ta đến đón nhận tình yêu của Thiên Chúa và yêu Ngài để đáp lại quà tặng tình yêu của Ngài cho chúng ta, để sinh hoa kết trái trong cuộc sống và trong các hành động của chúng ta là sự đáp trả đầu tiên và cơ bản: mong muốn, tìm kiếm và quan tâm đến thiện ích của những người khác. ĐGH Phanxicô, Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng (EG 178)

Giáo Hội sơ khai như thế nào? Làm sao dân ngoại có thể nhận ra các Kitô hữu đích thực? Họ nhận ra các Kitô hữu ấy khi họ thấy được tình yêu thương mà những người này dành cho nhau.

THÁNH TÊRÊSA CALCUTTA (1910-1997)

28. Học thuyết xã hội và đức tin có liên quan thế nào?

Không phải ai hoạt động xã hội hoặc tham gia chính trị cũng đều là Kitô hữu. Nhưng một người hầu như khó có thể xưng mình là Kitô hữu nếu người ấy không dấn thân vào xã hội. Tin Mừng dẫn dắt con người cách triệt để đến chỗ dấn thân bằng tình yêu thương, công lý, tự do và hòa bình. Khi Chúa Giêsu công bố về Nước Thiên Chúa đã đến, Người không chỉ chữa lành và cứu sống các cá nhân nào đó thôi, mà hơn thế, Người còn bắt đầu thành lập một cộng đồng mới – một vương quốc của công lý và hòa bình. Trong tình trạng ấy chắc chắn chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể kiện toàn vương quốc này. Tuy nhiên, các Kitô hữu phải cùng hoạt động để kiến tạo nên một xã hội tốt đẹp hơn. Họ cần phải xây dựng một đô thị cho con người “có tình người hơn vì đô thi ấy phù hợp với Nước Thiên Chúa nhiều hơn” (Bản Tóm Lược Học thuyết Xã hội 63). Khi Chúa Giêsu so sánh Nước Thiên Chúa với men dần dần nó sẽ làm dậy lên cả khối bột lớn (Mt 13:33), Người có ý nói đến đường lối hoạt động mà các Kitô hữu phải thực hiện trong xã hội.

▷ 63 ⫸ 123


29. Mục tiêu cuối cùng của Giáo Hội có trở thành công bằng xã hội được không?

Không. Nếu có một xã hội công bằng đi nữa, thì Giáo hội vẫn chưa đạt tới tất cả các mục tiêu mong muốn của mình. Ơn cứu độ mà Giáo Hội loan báo bắt đầu trên trần gian, cứu rỗi con người, biến đổi các mối quan hệ giữa con người và chữa lành những vết thương của xã hội. Công trình cứu chuộc bắt đầu như dấu chỉ về niềm hy vọng trong các cấu trúc xã hội công bằng trên trái đất này. Tuy nhiên, “thành mới” không phải là kết quả của sự nỗ lực và đấu tranh của con người. Dù có thể chúng ta đã làm mọi sự hết khả năng của mình, nhưng “Thành Thánh” từ “trời,” từ nơi Thiên Chúa mà xuống (Kh 21:10) với hoàn cảnh của chúng ta. Bình an thật sự là quà tặng từ Thiên Chúa.

➤ 64, 65, 67 ▷ 769


30. Tin Mừng có đồng nghĩa với trợ giúp phát triển không?

Trợ giúp phát triển và loan báo Tin Mừng phải đi đôi với nhau. Cùng với Phụng vụ và loan báo Tin Mừng, còn có việc bác ái – tình yêu thương thiết thực đối với tha nhân, là một trong ba hoạt động cơ bản của Giáo Hội. Nếu Giáo Hội chỉ loan báo Tin Mừng trong khi dửng dưng với các điều kiện sống khốn khổ của con người, thì Giáo Hội đó sẽ phản bội Chúa Giêsu, Người đã chấp nhận chữa lành cả thể xác lẫn linh hồn của con người, nam cũng như nữ trong tình trạng cá biệt và nhu cầu xã hội của mỗi cá nhân họ. Nhưng nếu Giáo Hội chỉ cổ võ phát triển xã hội của con người thôi, mà quên đi việc kêu gọi con người hiệp thông đời đời với Chúa thì Giáo Hội sẽ hướng số phận cuộc đời con người đi đến chỗ lầm lạc, và Giáo Hội cũng sẽ coi nhẹ giá trị đời sống Kitô hữu là chi thể của Chúa Kitô trong vận mệnh xã hội của họ. Tách sứ điệp xã hội của Tin Mừng ra khỏi sứ điệp đức tin của Tin Mừng thì cũng chẳng khác nào chia tách Tin Mừng ra làm hai.

▷ 66

Viện trợ của phương Tây cho các nước đang phát triển, hoàn toàn dựa trên các nguyên tắc vật chất kỹ thuật, đã không chỉ gạt Thiên Chúa sang một bên, mà còn làm cho con người xa cách Thiên Chúa với niềm tự hào cho là mình có trí tuệ khôn ngoan vượt trội, sự trợ giúp ấy đã làm cho Thế Giới Thứ Ba thành “Thế Giới Thứ Ba” theo nghĩa mang danh là “hiện đại”. ĐGH BÊNÊĐICTÔ XVI, 19/3/2009

Sao người ta có thể loan báo giới răn mới [đức ái] mà lại không cổ võ sự thăng tiến đích thực của con người trong công lý và hòa bình? ĐGH Phaolô VI (1897-1978), Tông huấn Evangelii Nuntiandi – Loan Báo Tin Mừng (EN, 31)

Còn tiếp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *