Docat – Chương 1 – Kế hoạch tổng thể của Thiên Chúa: TÌNH YÊU

Tình yêu đem đến nội dung chính yếu cho tương quan cá nhân với Thiên Chúa và với tha nhân; tình yêu là nguyên lý không những cho những tương quan vi mô (với bạn bè, gia đình và từng nhóm nhỏ) nhưng cả cho những tương quan vĩ mô (với những cá nhân, tổ chức xã hội, kinh tế và chính trị) …

125
0

Thế giới được tạo nên để tôn vinh Thiên Chúa.

CÔNG ĐỒNG VATICAN I

1. Khi tạo dựng thế giới và nhân loại chúng ta, Thiên Chúa có thực hiện theo kế hoạch định trước không?

Có, Thiên Chúa đã tạo nên cả thế giới theo ý tưởng và kế hoạch của Ngài. Thiên Chúa tạo nên thế giới và nhân loại cũng giống như con người có thể nghĩ ra một trò chơi, ví dụ như một môn cờ với luật chơi để tạo cho trò chơi ấy được hoàn toàn hợp lý. Tình yêu là nguyên lý thiết yếu như sợi tơ hồng xuyên suốt sự sáng tạo của Thiên Chúa. Cho nên, trong ý định của Thiên Chúa con người phải yêu thương và đáp lại tình yêu của Thiên Chúa, như vậy con người phải suy nghĩ, nói năng và hành động bằng chính lòng yêu thương. (X. Ep)

➤ 20 ▷ 2062 ⫸ 1, 2

Tôi được tạo nên để thực hiện bổn phận trong bậc sống riêng mình, một thụ tạo độc đáo; Thiên Chúa tiền định cho tôi một nơi thích hợp trong ý định của Ngài; dù tôi giàu hay nghèo, dù người đời có khen chê, hay khinh thường, Thiên Chúa vẫn biết tôi và gọi chính tên tôi.

CHÂN PHƯỚC JOHN HENRY NEWMAN (1801-1890), Hồng y và triết gia người Anh

Chắc chắn nhờ có cha mẹ, chúng ta được sinh ra và là con cái của cha mẹ mình, nhưng chúng ta cũng bắt nguồn từ Thiên Chúa, Ngài đã dựng nên chúng ta theo hình ảnh của Ngài và gọi chúng ta là con. Do đó, không phải tình cờ hay cơ may nào đó mà mỗi người có mặt trên đời, nhưng nguồn cội của mỗi con người ở trong chính kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa.

ĐGH BÊNÊĐICTÔ XVI, 9/7/2006


2. Trước tiên, Thiên Chúa là ai?

Chúng ta có thể nói rằng Thiên Chúa là khởi nguồn của muôn loài, muôn vật hiện hữu. Ngài là căn nguyên và nền tảng tối hậu của muôn vật, Ngài là Đấng gìn giữ tất cả muôn loài muôn vật tồn tại. Theo khoa học hiện đại, thì có thể nói là: Ngài có trước Vụ nổ Big Bang tạo ra vũ trụ và là nguồn gốc của tất cả các quy luật tự nhiên. Không có Thiên Chúa, mọi sự đang tồn tại sẽ sụp đổ. Thiên Chúa cũng là đích điểm của mọi loài hiện hữu.

▷ 34, 279 ff. ⫸ 33


3. Thiên Chúa có ý nghĩa gì đối với hành động của chúng ta?

Bởi Thiên Chúa là Đấng Tạo Thành cả vũ trụ, thì Ngài cũng là chuẩn mực cho mọi thứ phải noi theo. Tất cả mọi hành động được đo lường dựa vào Ngài và kế hoạch của Ngài. Dựa vào cách thế này ta có thể nhận biết những hành động nào là tốt đẹp. Có thể diễn tả cách trực giác như sau: Thiên Chúa ghi DNA cho cuộc đời chúng ta và chúng ta được tự do lựa chọn, khi thực hiện theo những chỉ dẫn đã được Chúa khắc ghi trong tâm trí, thì chúng ta có thể chu toàn được bổn phận của mình bằng tiềm năng Chúa đã ban cho chúng ta. Điều Chúa muốn cho chúng ta cũng như điều Chúa muốn nơi chúng ta là hành động theo chuẩn mực và nguyên tắc của cuộc sống ngay thẳng, lương thiện. Các Kitô hữu hành động bằng tình liên đới vì Thiên Chúa đã đối xử trước với họ cách đầy yêu thương.

➤ 20, 25, 26 ▷ 1694

Vì Ngài đã dựng nên muôn vật, và do ý Ngài muốn, mọi loài liền có và được dựng nên.

KH 4, 11

Công trình Ngài, lạy Chúa, quả thiên hình vạn trạng! Chúa hoàn thành tất cả thật khôn ngoan.

TV 124, 24

Những gì không có trong dự tính của tôi thì ở trong kế hoạch của Thiên Chúa. Và những gì giống như vậy càng thường xảy đến với tôi thì tôi càng tin là chẳng có gì là ngẫu nhiên tình cờ – qui hướng theo Thiên Chúa.

THÁNH EDITH STEIN (1891-1942) Triết gia người Đức gốc Do Thái, nạn nhân trại tập trung, Finite and Eternal Being (1935/1936)

4. Chúng ta có thể cảm nghiệm được Thiên Chúa không?

Nếu suy ngẫm về bản thân, bạn sớm nhận ra là bạn không tự mình mà có. Thật ra, chẳng ai hỏi bạn xem bạn có muốn hiện hữu hay không. Thật không ngờ bạn đã có mặt trên đời. Rồi điều sau đấy bạn nhận ra mình chỉ là hữu hạn.

Hôm nay hay mai kia, đời bạn sẽ kết thúc. Và một ngày nào đó, mọi thứ chung quanh bạn cũng sẽ không còn tồn tại nữa. Dù vậy, bạn có thể nghĩ đến điều vô hạn: nghĩ về những gì đang hiện hữu và sẽ trường sinh bất tử. Do đó, dù chung quanh bạn biết bao thứ phù du nay còn mai mất, nhưng bạn khao khát những gì là vô hạn và không mất đi. Bạn muốn điều gì đó thuộc chính mình kéo dài mãi! Thật đáng buồn nếu cả thế giới đẹp đẽ này chỉ như một bức ảnh chụp với ánh đèn lóe sáng vô nghĩa kia, thoáng qua rồi lại chìm vào hư không. Chỉ trong điều kiện Thiên Chúa thực sự hiện hữu thì bạn mới được Ngài gìn giữ bình an, và tất cả thụ tạo cũng mới được tồn tại. Là thân phận con người, ai cũng có ý nghĩ và khao khát về Thượng Đế. Khát vọng về Thượng Đế và chân lý được thấy ở mọi nền văn hóa.

➤ 20 ▷ 1147 ⫸ 20

Ba điều mà con người cần biết để được cứu độ: những chân lý cần phải tin, những điều thiện cần khao khát, và những việc cần chu toàn.

THÁNH  TÔMA  AQUINÔ (1225-1274),   nhà   tư   tưởng Kitô giáo vĩ đại thời Trung Cổ, On the Ten Commandments (Lời Tựa)

Tất cả mọi thụ tạo đều biểu lộ sự tốt lành và quảng đại của Đấng Tạo Hóa: mặt trời chiếu sáng, lửa tỏa nhiệt, cây cối trổ lộc đâm nhánh, ra cành và sinh hoa kết quả cho chúng ta, rồi còn nước, không khí và tất cả thiên nhiên đã tỏ bày lòng khoan nhân độ lượng của Đấng Tạo Hóa. Con người được dựng nên theo hình ảnh sống động của Ngài, dù miệng lưỡi ta tuyên xưng Ngài, nhưng hành động của con người ta lại chối bỏ Ngài vì tính ích kỷ không biết yêu thương và vì lòng tham, nên ta không diễn tả được nơi mình Đấng Tạo Hóa tốt lành.

THÁNH PHILIP NERI (1515- 1595)

5. Tại sao Thiên Chúa đã dựng nên con người và thế giới?

Thiên Chúa đã dựng nên thế giới vì tình yêu tràn đầy của Ngài. Ngài muốn chúng ta yêu mến Ngài như Ngài yêu thương chúng ta. Ngài muốn quy tụ chúng ta thành đại gia đình Hội Thánh của Ngài.

▷ 49, 68, 142 ⫸ 2

Chúa yêu thương mọi loài hiện hữu, không ghê tởm bất cứ loài nào Chúa đã dựng nên, vì giả như Chúa ghét loài nào, thì đã chẳng dựng nên.

Kn 11:24

Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai-cập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành hạ. Phải, Ta biết các nỗi đau khổ của chúng. Ta xuống giải thoát chúng khỏi tay người Ai-cập.

Xh 3:7-8


6. Nếu Thiên Chúa đã dựng nên thế giới vì tình yêu, thì tại sao thế giới lại đầy bất công, áp bức và đau khổ?

Thiên Chúa đã dựng nên thế giới tự bản chất là tốt đẹp. Nhưng con người đã sa ngã phạm tội xa cách Thiên Chúa, định tâm phản lại tình yêu của Thiên Chúa và đã mang sự dữ vào thế giới. Kinh Thánh thuật lại điều này trong câu chuyện về tội nguyên tổ và sự sa ngã của Ađam và Eva. Câu chuyện về Tháp Babel cho thấy con người muốn bằng Thiên Chúa. Kể từ khi ấy đã có vết nhơ mang lại sự chết trong cấu trúc của thế giới. Từ đó chẳng còn gì hoàn toàn theo như ý định của Thiên Chúa. Các quyết định hiện nay của chúng ta cũng góp phần vào sự bất công, áp bức và đau khổ trên thế giới này. Nhiều quyết định sai lầm đôi khi có thể kết cấu thành sự dữ và tội lỗi. Do đó, một người phải sống trong một chế độ mà hầu như toàn sự dữ và bất công lấn át thì bản thân người ấy không dễ gì tránh khỏi không bị ảnh hưởng, ví dụ như khi một người lính bị buộc phải tham gia vào một cuộc chiến phi nghĩa.

➤ 27 ▷ 365 ff., 415 ⫸ 66, 68

Tội lỗi là ngục tù mà tất cả chúng ta được sinh ra từ đấy.

THÁNH INHAXIÔ LÔYÔLA (1491-1556), Đấng sáng lập Dòng Tên

Điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng chính điều tôi ghét, thì tôi cứ làm.

Rm 7:15


7. Tại sao ngay ban đầu Thiên Chúa đã cho con người được chọn lựa làm điều dữ?

Thiên Chúa đã dựng nên con người để yêu thương. Dẫu vậy, chẳng ai có thể bị ép buộc phải yêu thương; tình yêu bao giờ cũng là tự nguyện. Nếu một người thực sự có thể yêu thương, thì hẳn người ấy phải được tự do. Tuy nhiên, nếu được tự do thật sự thì lúc nào cũng có khả năng đưa ra một quyết định phiếm diện thành sai lầm cách cơ bản. Con người chúng ta thậm chí còn có thể tiêu diệt chính sự tự do.

▷ 311 ff. ⫸ 286

Điểm chính yếu của tự do không phải là hoàn toàn có quyền hành động sai trái sao cũng được. Ý chí tự do không có nghĩa là thụ tạo không còn phụ thuộc vào ai nữa, nhưng đúng hơn là sự nhận ra bản thân mình luôn phải cậy dựa vào Thiên Chúa.

THÁNH CATARINA SIENA (1786-1859), tu sĩ dòng Ba Đaminh, nhà thần học và thần bí

8. Thiên Chúa có để mặc con người sau khi con người đã ngoảnh mặt lại với Thiên Chúa không?

Không. Tình yêu của Thiên Chúa “không bao giờ mất được” (1 Cr 13:8). Ngài dõi theo chúng ta, tìm kiếm chúng ta tận những hang cùng ngõ hẻm nơi chúng ta ẩn náu, Ngài mong đến gặp gỡ chúng ta. Ngài muốn tỏ mình ra với chúng ta Ngài là ai.

▷ 27, 773

Có những người nói: “Tôi đã phạm quá nhiều tội rồi, Thiên Chúa Tốt Lành sao có thể tha thứ cho tôi được.” Đây là một lời báng bổ thô thiển. Điều đó cũng giống như đặt ra giới hạn cho lòng thương xót của Chúa, mà lòng thương xót của Chúa thì bao la, vô bờ bến. Chẳng có gì xúc phạm đến Thiên Chúa Tốt Lành cho bằng nghi ngờ lòng thương xót của Ngài.

THÁNH GIOAN VIANNEY (1786-1859), Cha sở xứ Ars

9. Làm sao có thể tìm thấy Thiên Chúa?

Chỉ có thể tìm thấy Thiên Chúa khi Ngài tỏ mình ra cho chúng ta hoặc mạc khải chính Ngài với chúng ta. Nhờ bản tính tự nhiên ta có trực giác về Thiên Chúa và cũng có thể nhận ra nhờ suy gẫm về sự thật Thiên Chúa hiện hữu. Nhưng Thiên Chúa như thế nào, ý định và kế hoạch của Ngài ra sao thì ngoài tầm hiểu biết của chúng ta. Cho nên chính Thiên Chúa phải thông truyền cho chúng ta Ngài như thế nào. Thiên Chúa không làm điều đó bằng cách gửi cho chúng ta một ý tưởng, một quyển sách hoặc một hệ thống chính trị; Ngài đã làm điều ấy bằng cách trở thành một con người. Nơi Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa đã tỏ mình ra hoàn toàn rõ ràng: Thiên Chúa đã làm người để con người có thể hiểu được Thiên Chúa là ai. Chúa Giêsu là Ngôi Lời, ngôn ngữ truyền đạt của Thiên Chúa.

➤ 20, 21 ▷ 36-38 ⫸ 7-10

Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy. Vì tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng các ngươi, đường lối Ta cũng không phải đường lối các ngươi – sấm ngôn của Thiên Chúa.

Is 55: 8-6


10. Trước Chúa Giêsu, Thiên Chúa đã tỏ mình ra với nhân loại như thế nào?

Sự hiện hữu của Thiên Chúa đã không hề vượt ngoài tầm hiểu biết của lý trí con người. Trong quá trình lịch sử đức tin của dân Israel, Thiên Chúa đã hé lộ phần nào sự sống nội tâm của Ngài và đã nói với Abraham, Isaac và Jacob. Ngài đã truyền cho Môsê giải phóng dân Ngài khỏi cảnh nô lệ ở Ai Cập. Không biết bao lần, Ngài đã sai các ngôn sứ lên tiếng và hành động công khai nhân danh Ngài.

▷ 54 ff. ⫸ 7-8

Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.

Ga 3:16


Xem tiếp câu 11 – 21 ở trang 2

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Nội dung