Truyền thông trong Mục vụ và truyền giáo (Phần I)

261
0

LỜI GIỚI THIỆU

Nói đến truyền thông, cách riêng nói đến tầm quan trọng, lợi ích và ảnh hưởng lớn lao của truyền thông xã hội, thánh Công đồng Vatican II đã khẳng định 45 năm về trước rằng: “Trong những phát minh kỳ diệu về kỹ thuật truyền thông do nhân loại phát minh, Giáo Hội đặc biệt lưu ý tới những phương tiện trổi vượt và có ảnh hưởng lớn lao đến không chỉ từng người, mà cả đại chúng và toàn thể nhân loại như: báo chí, điện ảnh, phát thanh, vô tuyến” (Inter Mirifica 4/12/1963). Ngày nay, danh sách này phải kéo dài ra cả trang để kể thêm nào là kỹ thuật số, Internet, Email, Website, nào là Cyberspace, Hi-tech, Mobile, Ipod, Intel…

Về nhiệm vụ truyền thông, sắc lệnh nêu đích danh như sau:

1. “Đức Giáo Hoàng cũng cần có một uỷ ban riêng của Toà Thánh để thi hành mục vụ tối cao về những phương tiện truyền thông xã hội” (I.M, 19). Uỷ ban này được nâng lên thành Uỷ ban Giáo hoàng về Truyền thông Xã hội, và nay trở thành một Bộ của Toà Thánh.

2. Về Giám mục, “các chủ chăn đáng kính phải cấp tốc chu toàn phận vụ mình trong lĩnh vực này, vì nó liên hệ chặt chẽ với nhiệm vụ thông thường của các ngài là giảng dạy…” (I.M, 13b). “Các giám mục có bổn phận chăm sóc các công cuộc và các tổ chức thuộc loại này trong giáo phận mình. Các ngài phải cổ võ và nếu liên quan đến việc tông đồ chung, thì phải phối hợp chúng, kể cả các tổ chức thuộc quyền điều khiển của các tu sĩ miễn trừ” (I.M, 20).

3. Trên bình diện quốc gia, thánh Công Đồng quyết định và truyền phải thiết lập khắp nơi các cơ quan quốc gia về báo chí, điện ảnh truyền thanh và truyền hình… “Website, email, blogs…” và phải dùng mọi phương thế giúp đỡ các cơ quan đó (I.M, 21a).

4. “Trong mỗi quốc gia, việc điều khiển các tổ chức trên phải được uỷ thác cho một Uỷ ban Giám mục đặc biệt hoặc cho một Giám mục đặc trách (I.M, 21c).

5. Nhiệm vụ trước tiên của các cơ quan này là tìm cách “đào tạo đứng đắn lương tâm tín hữu trong việc sử dụng những phương tiện đó, cùng cổ vũ và phối hợp mọi công cuộc của người Công giáo trong lĩnh vực này”! (I.M, 21b)

Tại Việt Nam, mãi đến cuối năm 2006, Uỷ ban Truyền thông Xã hội mới được Hội đồng Giám mục Việt Nam chính thức thành lập. Kế hoạch, nhiệm vụ chính yếu đầu tiên của Uỷ ban Truyền thông là đầu tư nhân sự, huấn luyện và đào tạo nhân sự về truyền thông!

Nói đến huấn luyện, đào tạo nhân sự về truyền thông, thánh Công đồng nêu rõ như sau: “Phải đào tạo đúng lúc những linh mục, tu sĩ và giáo dân để họ có đầy đủ kinh nghiệm thích đáng trong việc sử dụng những phương tiện này vào mục đích tông đồ” (I.M,15).

“Trong các trường công giáo thuộc mọi cấp, trong các chủng viện và trong cả những nhóm tông đồ giáo dân, phải cổ vũ, tăng gia và theo nguyên tắc luân lý Kitô giáo, hướng dẫn các tổ chức có khả năng theo đuổi mục đích này, nhất là những tổ chức dành riêng cho giới trẻ” (I.M, 16b).

Nhằm mục đích đáp ứng các nhu cầu cấp bách của sắc lệnh về “các phương tiện truyền thông xã hội” nói trên, tập sách “Truyền thông trong Mục vụ và Truyền thông trong Truyền giáo” của Cha Franz-Josef Eilers, SVD, đã được tổ Giáo dục Truyền thông của Uỷ ban Giám mục về Truyền thông chuyển dịch ra tiếng Việt để làm tài liệu giảng dạy cho các chủng sinh, linh mục và giáo dân vì nội dung rất bổ ích và giá trị của cuốn sách!

Chúng tôi xin hết lòng cám ơn Cha Franz-Josef Eilers, SVD, Tổng Thư ký Văn phòng Truyền thông Xã hội (OSC) của liên Hội đồng Giám mục Á Châu (FABC), đồng thời cũng là tác giả nổi tiếng của tập sách này và nhiều bộ sách quý giá khác về truyền thông, đã cho phép Uỷ ban Truyền thông Xã hội chuyển ngữ ra tiếng Việt và sử dụng như sách giáo khoa cho việc đào tạo, huấn luyện nhân sự về truyền thông!

Xin Chúa chúc lành cho những ai đã đóng góp công sức cho việc hình thành tập sách này.

Hà Nội, ngày 8/8/2008

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Đệ, SDB

Nguyên Chủ tịch UBTTXH

NHẬP ĐỀ

Hội thánh có sứ vụ truyền thông Tin Mừng cứu độ và tình thương của Thiên Chúa cho mọi tạo vật, và Hội Thánh còn phải tiếp tục truyền thông trong Thiên Chúa Ba Ngôi công việc truyền thông của Người về mầu nhiệm Mặc Khải và Nhập Thể vào cuộc sống cụ thể hằng ngày qua muôn thế hệ. Việc truyền thông này được thực hiện bằng ba phương thức có liên hệ mật thiết với nhau: rao giảng (Kerygma), đời sống cộng đoàn hiệp thông (Koinonia) và phục vụ chu đáo (Diakonia). Truyền Thông Mục Vụ theo nghĩa rộng quan tâm tới cả ba phương thức này dưới góc nhìn của việc truyền thông sự chăm sóc của Thiên Chúa cho dân Người.

Thần học truyền thông nhìn toàn thể Thần học dưới nhãn quan truyền thông. Vì vậy ‘Truyền Thông’ trở thành một nguyên tắc thần học từ đó chúng ta nhìn toàn bộ thần học: Thần học Hệ thống là học về nội dung và các hình thức của việc Thiên Chúa truyền thông trong Hội Thánh và nhờ Hội Thánh. Thần học Kinh Thánh vạch ra các đường lối, ý nghĩa và nội dung của việc Thiên Chúa truyền thông trong các Sách Thánh. Thần học Cơ Bản là học về việc Thiên Chúa truyền thông trong tạo dựng và trong lịch sử nhân loại. Thần học Mục vụ là học về các cách thức và phương tiện của truyền thông trong việc chăm sóc dân Thiên Chúa. Thần học Truyền giáo học về các cách thức và phương tiện Thiên Chúa dùng để truyền thông cho những ai chưa là thành viên của Hội Thánh. Phụng Vụ là cách diễn tả truyền thông của kinh nguyện và cộng đoàn với và trong Thiên Chúa. Khoa giảng thuyết là học và thực hành các cách thức rao giảng trong Hội Thánh. Một cách đặc biệt, chúng ta phải dựa vào tất cả các lãnh vực này để thể hiện thừa tác vụ Truyền thông Mục vụ của Hội Thánh trong việc chăm sóc các thành viên Hội Thánh.

1. Truyền thông Mục vụ

Truyền thông Mục vụ liên quan tới Thần học Mục vụ. Gerald O. Collins (2001) cho rằng Thần học Mục vụ có mục đích và mục tiêu sau đây:

  • Chuyển từ học hỏi Kinh Thánh và thần học hệ thống sang Rao giảng và Huấn giáo.
  • Thực hành Phụng vụ và đời sống bí tích.
  • Tư vấn về đời sống luân lý và thiêng liêng.
  • Chăm sóc những người gặp các vấn đề đặc biệt.
  • Đấu tranh cho công lý và hoà bình.
  • Chăm sóc những người thuộc các lứa tuổi và các cảnh sống khác nhau.

Collins coi Thần học Mục vụ là một Thần học Thực hành và một suy tư có phê phán về sứ mạng đa diện của Hội Thánh trên thế giới.

Nhìn dưới nhãn quan này, Truyền thông Mục vụ là truyền thông về việc chăm sóc mục vụ, ‘chăn dắt’, xây dựng, duy trì và đào sâu đức tin. Một cách đặc biệt và theo nghĩa chặt hơn, truyền thông mục vụ là communicatio intra Ecclesiam, truyền thông bên trong Hội Thánh cho các thành viên của Hội Thánh hay những người đang chuẩn bị trở thành thành viên Hội Thánh.

Truyền thông Mục vụ xuất phát từ ‘người Mục tử,’ người chăn dắt’ và là tất cả những gì liên quan tới các phương tiện, phương pháp và nội dung truyền thông mà người mục tử cần đến để truyền thông với đoàn chiên và nuôi dưỡng đoàn chiên. Đức Kitô mục tử nhân hậu là gương mẫu (x. Ga 10).

Chính Người đề ra và mô tả các chuẩn mực và thái độ cần thiết đối với một người truyền thông mục vụ mẫu mực:

     * Người mục tử tốt thì biết chiên của mình, và nói theo thuật ngữ truyền thông là biết các khán thính giả của mình, các khách hàng của mình, những người được giao cho mình chăm sóc. Không chỉ biết mặt biết tên, nhưng hơn thế nữa, càng biết các thái độ, các kỳ vọng và nhu cầu của họ, người mục tử càng có thể truyền thông hiệu quả hơn…

     * Đàn chiên biết chủ chiên của mình, và nói theo thuật ngữ truyền thông, người chủ chiên trở nên dễ thấy, trong suốt, dễ tiếp cận và sẵn sàng mở cửa lòng mình cho những người được giao phó cho mình coi sóc, và họ cũng mở cửa lòng họ ra vì hoàn toàn tin cậy chủ chiên của họ.

     * Chủ chiên hiến mạng sống mình cho đàn chiên vì quan tâm tới các nhu cầu thực sự của họ, đức tin, cuộc sống của họ và mối quan hệ rộng mở của họ đối với Chúa. Các quan tâm đầu tiên của người chủ chiên không phải là quan tâm về các nhu cầu cá nhân của mình, chúng có thể cản trở hay làm phai mờ sự truyền thông với những người được giao phó cho họ (x. Ed 34,1-16). Với thái độ truyền thông và cởi mở, người chủ chiên “hiến mình trong tình yêu” theo định nghĩa của Communicatio et Progressio (số 11) về truyền thông trong bản chất sâu xa nhất của nó.

Như vậy, theo nghĩa rộng, Truyền thông Mục vụ có thể được nhìn trong mọi hoạt động truyền thông của Hội Thánh và của các thành viên Hội Thánh. Nó là chiều kích mục vụ của truyền thông xã hội của Vatican II được hiểu như là truyền thông trong và của xã hội loài người. Uỷ ban chuẩn bị cho Sắc lệnh Inter Mirifica của Vatican đề nghị thuật ngữ truyền thông xã hội bởi vì thuật ngữ này diễn tả rõ rệt hơn mối quan tâm của các nghị phụ Công Đồng vượt qua các phương tiện truyền thông đại chúng hay các phương tiện quảng bá. Thuật ngữ này đã được thích nghi cho việc sử dụng chung của Hội Thánh và chỉ về mọi hoạt động truyền thông của con người trong xã hội. Nó liên quan đến các “quan hệ truyền thông của các thành viên của một hệ thống xã hội, các phương tiện, cơ cấu và qui trình của các mối quan hệ ấy”. Nó bao gồm “tất cả các hành vi truyền thông nào của con người mà có liên quan trực tiếp hay gián tiếp với một xã hội con người cụ thể” (có thể xem trình bày chi tiết hơn trong: Franz-Josef Eilers, Communicating in Community. Ấn bản thứ 3, Manila 2002, tr. 311-318).

Tuy nhiên theo một nghĩa hẹp hơn, Truyền thông Mục vụ trước hết và trên hết quan tâm tới các thành viên của Hội Thánh trong các nhu cầu truyền thông của họ. Nó là chiều kích truyền thông của mọi thừa tác vụ của Hội Thánh, các phương tiện truyền thông, các cách thức, cơ cấu, nhu cầu và khả năng truyền thông đối với thừa tác vụ của

  • các thừa tác viên của Hội Thánh như giám mục và linh mục;
  • các thừa tác viên giáo dân trực tiếp tham gia vào hoạt động của Hội Thánh;
  • mọi Kitô hữu với tư cách là thành viên của Hội Thánh, có bổn phận truyền thông đức tin của mình bằng lời nói và việc làm một cách trực tiếp hay gián tiếp cho mọi người xung quanh.

Là Kitô hữu và sống ơn gọi này có một chiều kích thừa tác và truyền thông. Nó đòi phải làm cho Đức Kitô ‘nhập thể’ và khám phá ra sự nhập thể của Người nơi những người khác, những nền văn hoá và tôn giáo của họ.

Truyền thông Mục vụ có nghĩa là:

  • Hiện diện khi người khác cần chúng ta nhất;
  • Làm chứng cho các giá trị của Chúa Giêsu trong quan hệ với người khác;
  • Đưa người ta vào mối hiệp thông và đời sống cộng đoàn để làm men cho xã hội;
  • Đem sự sống đến cho người khác trong tình yêu thương và phục vụ quên mình (‘diakonia’) qua việc chăm sóc họ;
  • Giúp người ta tìm ra câu trả lời cho cuộc tìm kiếm của họ về:
    • ý nghĩa cuộc đời
    • hướng đi đúng
    •  chọn lựa đúng
    •  sống các niềm xác tín và đức tin
    •  tìm ra con đường dẫn đến Thiên Chúa và Chúa Giêsu
  • Trở nên bạn đồng hành trong việc truyền thông với người khác.

2. Truyền thông trong rao giảng Tin Mừng

Khi nhìn Truyền thông Mục vụ theo nghĩa rộng, ta cũng có thể thấy sự ‘chăm sóc mục vụ’ được mở rộng ra cho những người chưa thuộc về đàn chiên Chúa, những người được mời gọi vào đàn chiên. Nhưng như khoa truyền giáo biệt lập với khoa Thần học Mục vụ, thì cũng thế, trong lĩnh vực truyền thông, khía cạnh truyền giáo, rao giảng Tin Mừng, hay missio ad gentes, như Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II gọi trong thông điệp Redemptoris Missio (1990) của ngài về truyền giáo, cũng phải được nhìn như một lĩnh vực quan tâm, học hỏi và thực hành riêng biệt. Hội Thánh có nhiệm vụ bó buộc phải loan báo, rao giảng Tin Mừng, nhiệm vụ này khác với việc chăm sóc các thành viên trong nội bộ Hội Thánh; phương pháp truyền thông trong lĩnh vực này cũng phải khác. Missio ad intra (sứ mạng đối nội) là một mặt của Hội Thánh, còn mặt kia là missio ad extra (sứ mạng đối ngoại), sứ mạng vươn ra bên ngoài Hội Thánh và cũng có thể gọi là truyền thông Kerygmatic, truyền thông loan báo và rao giảng Tin Mừng. Loại truyền thông này khác với Truyền thông Mục vụ theo nghĩa hẹp. Truyền thông Mục vụ hướng nhiều hơn vào đời sống bên trong Hội Thánh (ad intra) trong khi Truyền thông Rao giảng Tin Mừng (= Truyền thông Truyền giáo) hướng tới đời sống và bổn phận của các Kitô hữu và của Hội Thánh ra ‘bên ngoài’ (ad extra).

Truyền thông Truyền giáo quan tâm tới việc truyền thông Nước Thiên Chúa vượt ra ngoài ranh giới hạn hẹp của Hội Thánh. Nó là sự truyền thông tình yêu cho những ‘người ngoài’, việc truyền thông này thường bắt đầu bằng chứng tá đời sống. “Kìa xem họ yêu thương nhau biết bao” là lời bình luận của dân chúng về các Kitô hữu tiên khởi và thường trở thành yếu tố cơ bản để gia nhập Nước Đức Kitô.

Vì vậy truyền thông truyền giáo đi xa hơn nhưng cũng bao gồm rất nhiều việc sử dụng các phương tiện đại chúng trong hoạt động truyền giáo của Hội Thánh. Hồng y Francesco Ingoli, Bộ Trưởng đầu tiên của Thánh Bộ Truyền Bá Đức tin ở Rôma (thiết lập năm 1622) đã từng khuyến khích và bảo vệ nhu cầu sử dụng việc ấn loát và báo chí cho hoạt động truyền giáo của Hội Thánh; đó là những phương tiện truyền thông hiện đại nhất vào thời ấy. Hơn nữa, ngài còn nói, sách vở có thể đi xa hơn cả đích thân các nhà truyền giáo… Truyền thông bằng loan báo, rao giảng Tin Mừng không loại trừ các phương tiện kỹ thuật hiện đại này, nhưng vượt xa hơn chúng và bao gồm mọi cách thức và phương tiện truyền thông trong xã hội loài người (Truyền thông Xã hội).

Cả Truyền thông Mục vụ lẫn Truyền thông Truyền giáo đều là những thành phần thiết yếu của một Hội Thánh được kêu gọi truyền thông. Chúng giống như hai mặt của một đồng tiền. Có thể nói đơn giản rằng

  • Truyền thông Mục vụ là communicatio ad intra (truyền thông đối nội), và
  • Truyền thông Rao giảng hay Truyền thông Truyền giáo là communicato ad extra (truyền thông đối ngoại).

Vì cả hai là hai khía cạnh và thành phần khác nhau của cùng một thực tại, nên chúng cũng có các yếu tố và các viễn tượng chung với nhau và cần phải được xét đến trước khi đi vào các yếu tố chuyên biệt của mỗi lĩnh vực quan tâm này. Một số nền tảng và điều kiện chung này cho Hội Thánh truyền thông là:

  • Một Thần học Truyền thông.
  • Một Linh đạo truyền thông.
  • Sự truyền thông tập thể của Hội Thánh như được phản ánh trong sứ mạng và nhãn quan của Hội Thánh và các Hoạt động Truyền thông Công cộng/các Quan hệ Công cộng của Hội Thánh.
  • Các phương pháp truyền thông tổng quát của Hội Thánh, đặc biệt các phương tiện truyền thông đại chúng và truyền thông đa phương tiện.
  • Các văn kiện và cơ cấu nền tảng của Hội Thánh.
  • Sự cống hiến chung của Hội Thánh cho lĩnh vực truyền thông trong xã hội, được diễn tả trong các lãnh vực như đạo đức truyền thông và giáo dục truyền thông.

Dựa trên cơ sở các viễn tượng và thực tại chung này, Truyền thông Mục vụ và Truyền thông Truyền giáo phải được xét đến một cách chi tiết hơn để hiểu rõ các cách thức, nhu cầu, khả năng và thách thức riêng của chúng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Nội dung