Tóm lược và giải thích sách Chỉ nam về dạy giáo lý

Phần lớn bài này được viết phỏng theo bài Commentary on the General Directory for Catechesis của Đức Cha Raymond L. Burke, Tổng Giám Mục St. Louis, và một số ít được viết theo General Directory For Catechesis của Thánh Bộ Giáo Sĩ.

412
0

Vào Đề

Việc dạy Giáo Lý luôn luôn được đặt làm nền tảng cho đời sống Hội Thánh. Nhiệm vụ chính yếu của Hội Thánh là truyền lại tín lý và việc thực thi Đức Tin bằng các giáo huấn. Trong khi nói về Tân Phúc Âm hoá, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh đến tầm mức quan trọng của việc dạy Giáo Lý đúng cách để tạo nên một năng lực và sự hăng say mới trong việc giáo dục và sống Đức Tin Công Giáo.

Hội Thánh đã đặc biệt quan tâm đến việc Dạy Giáo Lý.  Sáu năm sau Công Đồng Vaticanô II, Tòa Thánh đã cho ấn hành cuốn Sách Chỉ Dẫn Chung về Dạy Giáo Lý vào năm 1971. Từ ngày cuốn Sách Chỉ Nam đầu tiên này ra đời, Huấn Quyền của Hội Thánh đã đưa ra nhiều tài liệu hướng dẫn phong trào đào luyện Đức Tin mới này như các Thông Điệp “Phúc Âm Hóa trong Thế Giới Hiện Đại – Evangelii nuntiandi” (1975), “Việc Dạy Giáo Lý trong Thời Đại Chúng Ta – Catechesi tradendae” (1979), “Sứ Vụ của Đấng Cứu Thế – Redemptoris Missio” (1990) và Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo (1992).

Sau cùng Thánh Bộ Giáo Sỹ đã dựa trên các văn kiện kể trên để duyệt lại và ấn hành cuốn Sách Chỉ Nam Giáo Lý mới tên là “Sách Chỉ Dẫn Chung về Dạy Giáo Lý“. Trong bài này, chúng tôi cố gắng tóm tắt những điểm chính yếu của cuốn Sách Chỉ Nam Giáo Lý mới để giúp các Giáo Lý viên và những ai có trách nhiệm về dạy Giáo Lý biết rõ về ơn gọi, sứ mạng, vai trò và trách vụ của mình trong việc dạy Giáo Lý.

Mục đích của Sách Chỉ Nam này là đưa ra những nguyên tắc thần học và mục vụ được rút ra từ Huấn Quyền và từ Công Đồng Vaticanô II để làm nền tảng vững chắc cho việc giảng dạy về Đức Tin. (Số 9)

Mục tiêu chính của Sách Chỉ Nam này trước hết là cho các Đức Giám Mục dùng trong việc đào tạo các Linh Mục và các Giáo Lý viên, đồng thời cũng cho tất cả những ai có trách vụ trong việc dạy Giáo Lý (Số 11).  Sách Chỉ Nam này còn được dùng trong việc soạn các Sách Chỉ Nam Giáo Lý và các sách Giáo Lý của các Giáo Hội địa phương.


Phần Mở Đầu

Dạy về Đức Tin trong Thế Giới Hôm Nay (14-23)

Trong dụ ngôn Người Gieo Giống (Mc 4:3-8), Chúa Giêsu đã dạy chúng ta về khả năng của hạt giống, là Lời Chúa, trong việc sinh hoa trái, là ơn Cứu Độ, và sự quan trọng của thửa đất là mỗi người nghe Lời Chúa, mà hạt giống được rơi trên đó. Các giáo huấn của Tin Mừng đã và đang tiếp tục giúp cho “nền văn minh Đức Ái” được phát triển trên thế gian. Tuy nhiên, việc dạy Giáo Lý chỉ có kết quả khi Tin Mừng được lãnh nhận bởi những tâm hồn sẵn sàng đón nhận Lời Chúa và đem ra thực hành trong đời sống hàng ngày.

Sách Chỉ Nam Giáo Lý nhấn mạnh đến tầm quan trọng của quan niệm của chúng ta về thế gian trong khi thi hành sứ vụ dạy Giáo Lý. Quan niệm này sẽ ảnh hưởng đến việc chúng ta đón nhận và truyền thụ các giáo huấn về Đức Tin thế nào. Nếu chúng ta hiểu rõ thế gian như Thiên Chúa đã tạo dựng và cứu chuộc nó, thì chúng ta sẽ sẵn lòng và giúp người khác cũng sẵn lòng như thế để nghe Lời Chúa đến với chúng ta qua Thánh Kinh và Thánh Truyền.

Việc các Giáo Lý viên suy nghĩ về quan niệm của mình về thế gian không những quan trọng để làm tròn việc tông đồ của mình, một việc tông đồ cần thiết cho đời sống Hội Thánh, mà còn sửa soạn lòng trí họ đón nhận chân lý, tình yêu mà Thiên Chúa thông ban qua việc dạy Giáo Lý.

Sách Chỉ Nam Giáo Lý nhắc nhở chúng ta rằng có ba yếu tố quan trọng trong quan niệm Kitô giáo về thế gian.

“Người Kitô hữu biết rằng mọi biến cố của nhân loại, đúng hơn là mọi thực thể, đều được đánh dấu bởi các hoạt động sáng tạo của Thiên Chúa mà qua đó Ngài truyền thông sự tốt lành cho mọi người; chính quyền lực của tội lỗi đã giới hạn và làm cho con người bị tê liệt; và từ sự Phục Sinh của Đức Kitô phát sinh ra động lực…” (Số 16).

Mỗi khi dạy Giáo Lý, chúng ta cần nhớ ba yếu tố chính của chân lý về thế gian:

  1. Thế gian tốt lành vì đến từ Thiên Chúa;
  2. Sự tốt lành của thế gian đã bị tội lỗi, tội Tổ Tông và tội cá nhân của chúng ta, làm cho ra hư hỏng;
  3. Sự sống được Đức Kitô Phục Sinh ban cho chúng ta trong Hội Thánh để chiến thắng tội lỗi trong đời sống chúng ta và sửa soạn chúng ta mỗi ngày và để đón Ngày Đức Kitô Trở Lại Lần Sau Hết, khi mà mọi sự sẽ phục hồi tình trạng tốt lành mà Thiên Chúa Cha đã muốn cho chúng.

Trên hết, trong khi thi hành sứ vụ tông đồ dạy Giáo Lý, quan niệm của Hội Thánh về thế gian còn có mục đích cổ võ một một trật tự công bằng là nền tảng của nền hòa bình trên thế giới, và của việc sửa soạn cho “Trời Mới và Đất Mời” (xem KH 21:1). Công việc dạy Giáo Lý tự nhiên gây cảm hứng cho Giáo Lý viên và học viên đáp lại ân sủng của sự Phục Sinh bằng cách hoạt động cho công lý vì những người nghèo đói nhất. Đức Thánh Cha gọi cảm hứng căn bản này là “ưu tiên hay là thương yêu người nghèo.”

Sự quan tâm của Hội Thánh trong việc cổ võ một trật tự công bằng trong đời sống cá nhân, xã hội và thế giới đã đưa Hội Thánh đến chỗ cổ võ việc tôn trọng nhân phẩm và bảo vệ nhân quyền (quyền sống, làm việc, được giáo dục, gầy dựng gia đình, tham gia vào đời sống công cộng và tự do tôn giáo), là những quyền giúp con người chu toàn bổn phận của họ trên thế gian như là con cái Thiên Chúa, và anh chị em của Con Một Thiên Chúa.

Sự quan tâm của Hội Thánh về con người và về nhân quyền là quan tâm Công Giáo chính đáng, nghĩa là quan tâm đến mọi phương diện của đời sống con người, kể cả phương diện văn hóa và tôn giáo. “Điều mà Hội Thánh quan tâm hơn cả là sự phát triển toàn diện con người và mọi người” (Số 18).  Trong khi thi hành với sự chú tâm đến cái nhìn của Hội Thánh về thế gian, một sứ điệp chính của việc dạy Giáo Lý của Hội Thánh là mặc khải về “sự bất khả xâm phạm của phẩm giá mỗi người.”

Cần phải có sự chạm trán giữa những quan niệm quần chúng và quan niệm của Hội Thánh về thế gian để có thể truyền thông Lời Chúa cách hiệu quả. Hội Thánh tìm kiếm những gì là tốt lành trong nền văn hóa hiện đại, những gì có thể giúp cho việc truyền thụ và hấp thụ Lời Chúa. Đồng thời, Hội Thánh cũng phải thành thật nhận chân những mặt khác của xã hội tương phản với giáo huấn và việc hấp thụ Lời Chúa.

Trong số những yếu tố của văn hóa thuận lợi hay cản trở việc truyền thụ Lời Chúa, Sách Chỉ Nam Giáo Lý ghi nhận một vài dữ kiện tôn giáo và luân lý. Về phương diện tôn giáo, trong xã hội và văn hóa ngày nay, con người rõ ràng là được lôi cuốn bởi những sự thánh.

Việc được các sự thánh thu hút là điều tích cực trong việc truyền thụ Đức Tin, nhưng có thể bị đặt sai chỗ hay thao túng bởi những tà phái hay những phong trào tôn giáo sai lạc, thí dụ như phái cơ bản hay cái gọi là linh đạo Đời Mới. Đây cũng là một lý do cần thiết hơn nữa để cung cấp Giáo Lý chân chính có thể thỏa mãn sự ao ước sự thánh của nền văn hóa của chúng ta bằng chân lý của Lời Chúa như được dạy trong Hội Thánh.

Các dữ kiện tôn giáo cản trở việc dạy Giáo Lý là:

  1. Một sự “lan tràn không ngừng của thái độ thờ ơ về tôn giáo” (Số 22), mà qua đó chúng ta không nhìn thấy, hoặc coi thường bàn tay của Thiên Chúa đang hoạt động trong mọi thụ tạo và mọi hành động của con người; và tệ hơn nữa là
  2. Việc hoàn toàn chối từ sự hiện hữu của Thiên Chúa hoặc vô thần. Sự từ chối này thường tiềm ẩn trong một chủ nghĩa hoàn toàn thế tục mà trong đó chúng ta tin rằng chúng ta có thể hiểu được thế gian mà không cần biết đến nguồn gốc hay số phận của nó trong Thiên Chúa.

Về mặt luân lý, nền văn hóa của chúng ta bị đánh dấu bởi những mập mờ về chân lý, về con người, và về sự tự do của con người. Như sự thờ ơ về tôn giáo làm cho con người ra không còn biết chân lý về sự liên hệ giữa Thiên Chúa và mọi thực thể thế nào, thì sự tương đối về luân lý cũng làm cho chúng ta đui mù mà không thấy Luật Thiên Chúa, nhất là về phương diện xã hội và chính trị của đời sống chúng ta, là những gì giúp chúng ta hành động trong chân lý và đức ái.


Ưu Điểm và Yếu Điểm của Môn Giáo Lý Hiện Đại (24-33)

Hội Thánh Trong Liên Quan với Thế Giới

Vì Kitô hữu là men trong thế gian, nên không tránh được bị ảnh hưởng của thế gian trong việc truyền thụ Đức Tin. Về mặt tích cực, việc dạy Giáo Lý cho trẻ em, thanh thiếu niên và người trưởng thành ở thời đại chúng ta đã làm nảy sinh trong các Kitô hữu cảm nghiệm về sự phong phú của lòng thương xót của Thiên Chúa Cha, phục hồi sự hiểu biết về Mầu Nhiệm Nhập Thể (Thiên Tính và Nhân Tính của Chúa Giêsu Kitô), ý thức về nhiệm vụ của tất cả chúng ta trong việc truyền giáo của Hội Thánh, và ý thức cao về công bằng xã hội như là một điều cơ bản của Đức Tin Công Giáo (Số 24).

Mặt khác, thuyết thế tục và thuyết tương đối về luân lý lan tràn khắp nơi trong nền văn hóa của chúng ta cũng ảnh hưởng tiêu cực đến việc dạy Giáo Lý. Có những người chỉ là Công Giáo trên danh nghĩa chứ không trên thực hành, tuy họ vẫn còn cảm giác nào đó thuộc về Hội Thánh. Những người này cần phải được đánh thức để họ hiểu Giáo Lý Công Giáo và thực hành.

Còn vô số những phần tử của Hội Thánh thực tâm đạo đức, nhưng không hiểu biết về những điều căn bản của Đức Tin. Lại có những người khác có một trình độ hiểu biết về Đức Tin còn ấu trĩ, chưa trưởng thành. Những người này cần học hỏi để hiểu biết về Đức Tin của mình dưới nhãn quan của một người trưởng thành trong thế giới hôm nay.

Sau cùng, có những người Công Giáo, hoặc vì muốn cổ võ việc đối thoại với các nền văn hóa hay các tôn giáo khác, hoặc vì quá dè dặt nên không dám sống trong xã hội hiện đại như những người có Đức Tin. Họ đã không làm chứng cách hùng hồn về Đức Tin rằng Chúa Giêsu Kitô đang sống cho chúng ta trong Hội Thánh.

Cho nên, để thắng vượt những ảnh hưởng tiêu cực của nền văn hóa trên đời sống Kitô, thì chúng ta chỉ còn một cách dạy Giáo Lý và qua việc Tân Phúc Âm hóa, một cách trình bày Đức Tin và phương cách thực hành Đức Tin cho trẻ em, giới trẻ và người trưởng thành (số 25-26).

Các Liên Hệ Trong Hội Thánh

Các liên hệ trong Hội Thánh có một ảnh hưởng sâu xa đến việc dạy Giáo Lý. Chúng ta có thể hiểu rõ đời sống nội tại của Hội Thánh qua việc các giáo huấn của Công Đồng Vaticanô II được đón nhận thế nào, nhất là các giáo huấn trong các tài liệu quan trọng như: Hiến Chế Phụng Vụ Thánh (Sacrosanctum Concillium), Hiến Chế Tín Lý về Hội Thánh (Lumen gentium), Hiến Chế về Mặc Khải của Thiên Chúa (Dei Verbum), Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong Thế Giới Ngày Nay (Gaudium et Spes).

Các kết quả tích cực của việc đón nhận giáo huấn của Công Đồng có thể được thấy trong việc hiểu biết rằng Phụng Vụ Thánh là “nguồn mạch và tột đỉnh” của đời sống chúng ta trong Hội Thánh, trong việc “ý thức rõ ràng” về ơn gọi tư tế chung của tất cả những ai đã được Rửa Tội và kết quả của ơn gọi nên thánh của mọi người, trong việc phục hồi việc đề cao Thánh Kinh, trong việc nhiều người Công Giáo sẵn sàng dấn thân trong sứ mạng truyền giáo của Hội Thánh, kể cả việc Phúc Âm hóa thế gian (Số 27).

Nhưng các giáo huấn của Công Đồng đã không luôn được đón nhận với những kết quả tích cực. Những ảnh hưởng tiêu cực của Công Đồng thường là do việc không chịu nghiên cứu kỹ lưỡng các giáo huấn của Công Đồng theo khuôn khổ của các giáo huấn và tập tục cố hữu của Hội Thánh. Từ sau Công Đồng, có những khuynh hướng coi Hội Thánh như một cơ chế tách rời khỏi Mầu Nhiệm Đức Kitô đang sống động trong Hội Thánh qua tác động của Chúa Thánh Thần.

Có những nhóm người chủ tâm giải thích sai lạc các văn kiện Công Đồng để truyền bá những chủ trương riêng của họ, mà không đếm xỉa gì đến sự toàn vẹn của giáo huấn, và vì thế gây chia rẽ trong Hội Thánh. Chúng ta có thể thấy rõ ảnh hưởng này trong việc chia Hội Thánh ra thành phe “bảo thủ” và “cấp tiến”. Sự chia rẽ này trong Hội Thánh đã gây thiệt hại cho việc Phúc Âm hóa, làm trở ngại cho Hội Thánh trong việc chứng tỏ rằng thật sự có sự hiệp thông giữa các phần tử của Hội Thánh với Thiên Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, và với nhau như là con cái Thiên Chúa trong Chúa Con Nhập Thể (số 28).

Tình Trạng của Việc Dạy Giáo Lý: Sự Sinh Động và Những Khó Khăn (29-30)

Sự sinh động của việc dạy Giáo Lý trong những năm gần đây được chứng tỏ bằng nhiều phương diện tích cực, mà những điểm chính là:

  • Rất nhiều linh mục, tu sĩ và giáo dân đã tận lực phục vụ cách hăng say vào sứ vụ dạy Giáo Lý, một hoạt động quan trọng nhất của Hội Thánh.
  • Tính cách truyền giáo của “việc dạy Giáo Lý hiện đại” đã đưa nhiều người chưa rửa tội và nhiều người không được đào luyện về Giáo Lý vào Hội Thánh.
  • Có nhiều Giáo Phận đã có những chương trình mục vụ Giáo Lý quan trọng và vai trò của nhiều nhóm hay phong trào Giáo Lý trong Hội Thánh.
  • Phẩm chất và chiều sâu của việc dạy Giáo Lý gần đây cũng được phát triển khả quan hơn.

Tuy nhiên, Sách Chỉ Nam cũng nêu lên một số trở ngại và đề ra những giải pháp:

  • Cần phải giúp cho các Giáo Lý viên hiểu rằng dạy Giáo Lý là “Trường Dạy Đức Tin” giúp học viên đào sâu toàn thề đời sống Kitô hữu về mọi phương diện.
  • Cần phải đặt việc dạy Giáo Lý trên nền tảng của cả Thánh Kinh lẫn Thánh Truyền, có nghĩa là việc dạy Giáo Lý phải nhắc đến đến những kinh nghiệm và suy tư của Hội Thánh trong hai ngàn năm qua.
  • Cần phải luôn quy chiếu về mục đích của việc Dạy Giáo Lý là hiệp thông với Đức Chúa Giêsu Kitô, cho nên phải trình bày Đức Tin một cách trọn vẹn, nhất là toàn thể chân lý về mầu nhiệm Đức Kitô.
  • Cần phải nêu lên sự thiếu sót trong việc trình bày một số chân lý Đức Tin, thí dụ, chân lý về sự liên quan giữa Thiên Chúa và con người, về tội lỗi và ân sủng, về Cánh Chung. Cần phải chắc chắn rằng các sách giáo khoa về Giáo Lý không trình bày một chiều, làm tổn thương đến sự vẹn toàn của sự hiểu biết về Đức Tin.
  • Cần phải liên kết việc dạy Giáo Lý “với Phụng Vụ” cách hoàn toàn, để các cử chỉ, biểu tượng, nghi thức, và kinh đọc trong Phụng Vụ trở thành một phần của việc trình bày Đức Tin.
  • Cần phải vượt qua sự giằng co giả tạo giữa phương pháp và nội dung của môn Giáo Lý và tìm những phương pháp dạy Giáo Lý  cho phù hợp với sự toàn vẹn của tín lý.
  • Cần phải trình bày Đức Tin cho phù hợp với nền văn hóa của học viên.
  • Cần phải coi việc đào luyện các tông đồ Giáo Lý cho việc truyền giáo là một công tác trọng yếu của việc dạy Giáo Lý.

Đọc Các Dấu Chỉ của Thời Đại (31-32)

Để đọc cách chính xác Thánh Ý Thiên Chúa ở thời đại và nền văn hóa của chúng ta, Hội Thánh phải phân tích hoàn cảnh của mình “trong phối cảnh của lịch sử Cứu Độ.”  Sự phân tích này luôn dựa trên ánh sáng của Đức Tin và những khám phá khoa học hiện đại.

Các Thách Đố trong Việc Dạy Giáo Lý (33)

Việc dạy Giáo Lý hôm nay phải đương đầu với những thách đố và những đường hướng sau:

  • Phải phục vụ sứ mạng Phúc Âm hóa của Hội Thánh với những sứ vụ rõ ràng.
  • Phải trình bày cho trẻ em, thanh thiếu niên và người trưởng thành;
  • Phải dựa vào gương dạy Giáo Lý thời các Giáo Phụ, nhắm đến việc đào luyện đời sống Kitô hữu của học viên;
  • Phải trình bày những chân lý căn bản của Kitô giáo, nhấn mạnh đến “đời sống trong Đức Kitô như là trọng tâm của đời sống Đức Tin”; và
  • Phải đặt việc sửa soạn và đào luyện Giáo Lý viên trong sự phong phú vô cùng của Đức Tin làm trách vụ chính.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Nội dung